Nói về cách phân loại giấc mộng của người cổ đại, chúng ta có thể đi ngược về các giai đoạn lịch sử khác nhau. Sự phân loại mộng của các nhà giải mộng, nhà triết học và Phật giáo thường pha trộn mê tín vào trong khoa học.
Sách Chu Lễ thời chiến quốc chia mộng ra làm 6 loại: chính mộng, ác mộng, tư mộng, ngụ mộng, hỷ mộng và cụ mộng. Chính mộng là giấc mộng bình thường, không sợ hãi, không lo lắng, không buồn không vui, trong lòng bình thản, tự nhiên; ác mộng tức “mộng yểm”, là trong mộng gặp phải chuyện rất đáng sợ, người nằm mộng thường rên rỉ hoặc la to; tư mộng là trong mộng có sự nhớ nhung, suy tính; ngụ mộng là không ngủ mà vẫn nằm mộng, tức là “trú mộng” hoặc “bạch nhật mộng” (nằm mơ giữa ban ngày); hỷ mộng là trong mộng có chuyện vui; cụ mộng là trong mộng có sự sợ hãi.
Lương y nổi tiếng đời Tùy là Dương Thượng Thiện từ thực tiễn lâm sàng đã phát hiện ra một số giấc mộng là do bệnh tật của cơ thể con người dẫn đến, một số giấc mộng thì không có ý nghĩa đó, vì thế trong “Hoàng Đế Nội Kinh Thái Tố” ông đã chia mộng ra làm 3 loại: chinh mộng, tưởng mộng và bệnh mộng. Chinh mộng là giấc mộng có thể biết trước được may rủi; tưởng mộng là giấc mộng liên quan đến vấn đề tình cảm; bệnh mộng là giấc mộng xảy ra trong lúc bệnh. .
Đời Đông Hán, Sách “Mộng Liệt” chia mộng làm 10 mộng, cảm mộng, thời mộng, phản mộng, bệnh mộng và tính mộng. Trực mộng là giấc mộng ứng nghiệm trực tiếp; tượng mộng là giấc mộng mang điềm báo trước; tinh mộng là giấc mộng tốt; tưởng mộng là giấc mộng có sự nhớ mong; nhân mộng là giấc mộng về con người; cảm mộng là giấc mộng về cảm khí; thời mộng là giấc mộng về thời gian, mùa màng; phản mộng là giấc mộng ngược với hiện thực; bệnh mộng là giấc mộng khi bị bệnh; tính mộng là giấc mộng về tính tình.
Vào giữa đời Minh, Sách “Mông Chiêm Nhật Chỉ” cho rằng mộng có thể tóm gọn thành 9 loại lớn: khí thịnh, khí hư, tà ngụ, thể trệ, tình dật, trực diệp, tỷ tượng, phản cực, lệ yêu. Giấc mộng khí thịnh là giấc mộng có âm thịnh, dương thịnh, ngũ tạng đều thịnh, khí hư là giấc mộng có ngũ tạng đều hư; tà ngụ là giấc mộng có tà khí xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng; thể trệ là mộng thấy cơ thể có cảm giác đông cứng lại do vật gì đó đè lên; tình dật là giấc mộng do vui mừng quá độ; trực diệp là trực mộng hay là giấc mộng trực ứng (khớp với hiện thực); tỷ tượng tức là giấc mộng thấy các điềm báo trước. Ví dụ: sắp thăng quan thì mộng thấy quan tài, sắp có tiền thì sẽ mộng thấy vật dơ bẩn, sắp thành công thì sẽ mộng thấy mình trèo lên cao, sắp mưa thì sẽ mộng thấy cá, sắp được ăn thì sẽ mộng thấy đang gọi chó, nhà sắp có tang thì sẽ mộng thấy áo trắng, sắp được ân sủng thì sẽ mộng thấy áo lụa, việc không thành thì sẽ mộng thấy con đường đầy chông gai… Trong đó, theo âm tiếng Hán, chữ “quan” (quan tài) và chữ “quan” (thăng quan), chữ “ngư” (cá) và chữ “vũ” (mưa) đồng âm với nhau. Trèo cao và cao quý cũng có nghĩa là lên cao; con đường đầy chông gai và những dự định không thành đều là việc rất khó khăn; phản cực là giấc mộng trái với hiện thực; lệ yêu là giấc mộng do ma quỷ, yêu quái quấy phá.
Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, do tôn phái và cách truyền thụ khác nhau nên có sự phân loại “tứ mộng” và “ngũ mộng”.
Sách “Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký” đời Thanh chia mộng làm 4 loại: ý thức mộng, khí cơ mộng, ý tưởng kỳ xuất mộng, khí cơ bàng triệu mộng.
Sách “Quách Hoàng Mộng Thư” là sách giải mộng sớm nhất, chia mộng làm 18 loại: chương thiên văn, chương địa lý, chương sơn lâm thảo mộc (rừng núi cỏ cây), chương thủy hỏa đạo tặc (trộm cướp), chương quan lục huynh đệ (anh em), chương nhân thân sơ kinh (người, lược và gương soi), chương phạn thực (ăn uống), chương Phật đạo âm lạc (Phật và âm nhạc), chương trang viên ốp trạch (nhà cửa vườn tược), chương y phục (quần áo), chương lục súc cầm thú (gia súc và thú vật), chương long xà (rồng và rắn), chương đao kiếm cung nỏ, chương phu thê hoa phấn, chương lâu các gia cụ tiền bạch (lầu, gác, dụng cụ gia đình, tiền bạc và gấm vóc), chương thuyền xa kiều thị cốc vật (thuyền, xe, cầu, chợ và ngũ cốc), chương sinh tử bệnh tật, chương khâu mộ quan tài hung cụ (mộ phần, quan tài và vật dụng của người chết).