(Trithuctot.com) – Trong quãng thời gian mang thai, cơ thể bạn trải qua rất nhiều thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bé yêu phát triển. Bên cạnh những thay đổi về ngoại hình, vóc dáng, những thay đổi ở vùng ngực và nhũ hoa cũng sẽ được nhìn thấy rất rõ. Theo các chuyên gia sản khoa, nếu không được chăm sóc đúng cách, những thay đổi này có thể gây khó chịu và làm thay đổi đáng kể hình dạng của ngực sau khi sinh.
Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc da cho bà bầu tại nhà
Cách chăm sóc núm vú cho bà bầu
Vệ sinh núm vú
Trong thời kì mang thai, tuyến bã nhờn dưới da tiết nhiều hơn, tuyến mồ hôi trên quầng vú cũng to ra, núm vú trở nên mềm hơn, chất tiết ở tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn dưới da khiến bề mặt da axit hóa, khiến bề mặt sừng hóa trở nên mềm hơn. Lúc ấy, nếu dùng sản phẩm làm sạch như xà bông để rửa những chất tiết trên núm vú thì sẽ không có lợi cho việc bảo vệ bầu ngực của phụ nữ.
Vì thế, muốn vệ sinh núm vú và bầu ngực, tốt nhất rửa bằng nước ấm. Để vệ sinh đầu ngực khi mang thai đúng cách, người mẹ cần thường xuyên tắm rửa, vệ sinh bầu ngực, mỗi ngày nên dùng nước ấm, khăn mềm để rửa sạch núm vú, loại bỏ những chất khô tiết ra và tích quanh núm vú. Hạn chế dùng xà phòng để vệ sinh vùng ngực vì dễ làm khô, nứt núm vú. Khi tắm, lúc da đang mềm, bạn cũng có thể nặn nhẹ đầu vú cho ra một ít sữa non giúp các lỗ tiết thông và sau này không bị tắc sữa.
Mát-xa núm vú
Bầu vú của người mẹ được cấu tạo từ các mô tuyến, mô mỡ và mô liên kết. Trong đó các tiểu thùy trong mô tuyến chính là nơi sản xuất sữa mẹ. Sữa từ các tiểu thùy này sẽ đổ vào thùy, rồi tới các xoang sữa ở dưới quầng vú. Tại đây, sữa sẽ đi tiếp vào các ống dẫn sữa mở ra ở núm vú.
Tiến hành mát-xa nhẹ nhàng núm vú có thể khiến da ở núm vú dày lên và có tính đàn hồi. Đồng thời còn có thể kích thích sự phát triển của ống dẫn sữa, chuẩn bị cho việc cho con bú sau sinh.
Ngăn ngừa nứt núm vú
Với những người lần đầu làm mẹ, nứt núm vú ảnh hưởng tới việc cho con bú là chuyện thường gặp. Sau khi núm vú nứt ra, việc con bú cũng có thể gây viêm nhiễm. Vì vậy, để ngăn ngừa nứt núm vú nên bắt đầu từ thời kì mang thai.
Bà bầu có thể dùng nước ấm vệ sinh núm vú, sau đó bôi sữa dưỡng da hoặc dầu, nhẹ nhàng mát-xa núm vú để da ở núm vú sừng hóa, dày lên, tăng cường tính đàn hồi và khả năng đề kháng.
Núm vú thụt vào trong phải làm thế nào?
Nếu bạn thấy núm vú ở một bên hay cả hai bên bị thụt vào trong, cần xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến việc bú sữa của trẻ sau này. Núm vú thụt vào trong có rất nhiều nguyên nhân, một số là do nhân tố di truyền, chủ yếu là ống tuyến sữa quá ngắn, kéo các mô ở núm vú, gây thụt vào trong. Mặc áo lót không thích hợp: áo lót quá chật, chèn ép núm vú, có thể khiến núm vú thụt vào trong.
Núm vú thụt vào trong không những ảnh hưởng tới mĩ quan mà khi cho con bú cũng mang lại rất nhiều bất tiện. Nếu vệ sinh không đúng cách còn dễ khiến chất bẩn tích tụ gây viêm nhiễm.
Trước tiên cần rửa sạch đầu vú và bầu vú, sau đó kéo lên xuống, sang trái và phải, nhẹ nhàng kéo da quầng vú xuống phía dưới, sau đó thực hiện theo hướng ngược lại. Làm nhiều lần, mỗi lần 5 phút.
Đồng thời, hàng ngày khi tắm, dùng ngón tay nhẹ nhàng gạt núm vú ra. Nếu thụt nghiêm trọng, có thể lấy một tay ấn quầng vú xuống, để núm vú nhô ra ngoài, cũng có thể dùng máy hút sữa hút núm vú bị thụt ra, sau đó dùng ngón tay nhẹ nhàng kéo ra. Nếu không tự mình kéo được thì cần suy nghĩ tới việc làm thủ thuật.
Theo: trithuctot.com