Trong sơ đồ này các nguồn cung cấp và các ngăn lộ đường dây đều nối vào thanh góp qua một máy cắt và hai dao cách ly. Trên mỗi ngăn đều phải đặt một máy cắt để cắt mạch điện ở chế độ bình thường cũng như khi có sự cố.
Dao cách ly CL11, CL21, CL31, CL41, CL51 ở giữa máy cắt và thanh góp nên được gọi là dao cách ly thanh góp.
Dao cách ly CL21, CL22, CL32, CL42, CL52 nằm ở phía đường dây gọi là dao cách ly đường dây.
Các dao cách ly này dùng để tạo khoảng cách an toàn trông thấy khi sửa chữa các phần tử trong mạch điện.
Nguồn N1(N2) có thể là các máy phát điện, máy biến áp hoặc các ngăn lộ đường dây. Nếu nguồn cung cấp là các máy phát hoặc máy biến áp thì không cần đặt dao cách ly giữa máy phát (hoặc máy biến áp) và máy cắt vì khi sửa chữa máy cắt thì máy biến áp hoặc máy phát sẽ dừng hoạt động. Bình thường tất cả các máy cắt hoặc dao cách ly sẽ ở trạng thái hoạt động (đóng), hai nguồn N1 và N2 sẽ cung cấp điện cho các phụ tải.
1. Cách thao tác sơ đồ:
1.1 Sửa chữa máy cắt:
Ví dụ cần sửa chữa máy cắt MC1
- Cắt máy cắt MC1.
- Mở dao cách ly CL11,CL12.
- Thực hiện các biện pháp an toàn để đưa máy cắt MC1 ra sửa chữa (Nối đất an toàn, đặt biển báo, rào chắn,…)
Khi sửa xong thao tác đóng điện cho đường dây D1 như sau:
- Mở nối đất an toàn.
- Đóng dao cách ly CL11, CL12.
- Đóng máy cắt MC1.
Như vậy đường dây D1 sẽ mất điện trong toàn bộ quá trình sửa chữa máy cắt MC1.
1.2 Khi cần sửa chữa kiểm tra đường dây:
Ví dụ cần sửa chữa đường dây D2.
- Cắt máy cắt MC2.
- Mở dao cách ly CL22
- Thự hiện các biện pháp an toàn để sửa chữa đường dây.
Sau khi sửa chữa tiến hành theo trình tự ngược lại để đóng điện đường dây D2.
1.3 Khi có ngắn mạch xảy ra trên đường dây:
Ví dụ khi có sự cố ngắn mạch trên đường dây D2.
- Bảo vệ rơ le sẽ gửi tiến hiệu đến cắt máy cắt MC2.
- Mở dao cách ly CL22.
- Thực hiện các biện pháp an toàn để sửa chữa đường dây D2.
1.4 Thao tác sửa chữa thanh góp:
Cắt tất cả các máy cắt mạch đường dây nối vào thanh góp theo trình tự đường dây kém quan trọng trước, ví dụ: MC1, MC2, MC3.
- Cắt tất cả các máy cắt cấp nguồn vào thanh góp: MC4, MC5
- Cắt tất cả các dao cách ly CL11, CL21, CL31, CL41, CL51.
- Thực hiện các biện pháp an toàn để sửa chữa thanh góp.
⇒ Khi sửa chữa thanh góp toàn bộ sơ đồ bị mất điện.
1.5 Khi có ngắn mạch trên thanh góp:
Bảo vệ rơ le sẽ gửi tín hiệu đi cắt các máy cắt nguồn MC4, MC5 và máy cắt của các ngăn lộ đường dây có nguồn cung cấp từ 2 phía hoặc có nguồn dự trữ MC2, MC3 ⇒ Toàn bộ sơ đồ bị mất điện.
- Cắt tất cả các máy cắt bảo vệ rơ le chưa đưa tín hiệu cắt (MC1).
- Mở tất cả các dao cách ly thanh góp: CL11, CL21, CL31, CL41, CL51.
- Thực hiện các biện pháp an toàn để sửa chữa thanh góp.
Sau khi sửa chữa xong ta tiến hành đóng điện lại như sau:
- Mở nối đất an toàn.
- Đóng tất cả các dao cách ly thanh góp: CL11, CL21, CL31, CL41, CL51.
- Đóng tất cả các máy cắt nguồn nối vào thanh góp: MC4, MC5.
- Đóng các máy cắt mạch đường dây nối vào thanh góp theo thứ tự đường dây quan trọng đóng trước
2. Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm sơ đồ:
- Sơ đồ đơn giản, tiết kiệm chi phí. Dao cách ly chỉ làm nhiệm vụ tạo khoảng cách an toàn khi sửa chữa. Để đảm bảo an toàn người ta làm thêm các bộ khóa liên động để dao cách ly chỉ đóng cắt khi máy cắt đã mở.
- Thi công lắp đặt đơn giản, vận hành an toàn chắc chắn.
Nhược điểm:
- Độ tin cậy cung cấp điện thấp.
- Để sửa chữa thanh góp hoặc dao cách ly thanh góp của bất cứ ngăn lộ nào cũng đều cắt tất cả nguồn cấp vào thanh góp dẫn đến mất điện toàn bộ.
- Khi sửa chữa máy cắt của ngăn lộ nào thì ngăn lộ ấy bị ngừng cung cấp điện.
- Khi ngắn mạch trên thanh góp thì toàn bộ sơ đồ mất điện.
- Khi ngắn mạch trên đường dây mà máy cắt không cắt, thì các máy cắt phía nguồn sẽ cắt dẫn đến mất điện toàn bộ.
Vì có nhiều nhược điểm nên sơ đồ hệ thống một thanh góp không phân đoạn được sử dụng trong vùng phụ tải nhỏ, không quan trọng hoặc các sơ đồ điện tự dùng của nhà máy điện, trạm biến áp (cần sử dụng nguồn dự phòng).
Xem thêm:
Phân tích sơ đồ thanh góp hiện hữu ở các trạm
Sơ đồ hệ thống một thanh góp có phân đoạn
Sơ đồ hệ thống hai thanh góp
Có thể bạn thích: Mô hình trạm biến áp ngầm, trạm biến áp trong nhà, trạm biến áp ngoài trời.