Thuật giải mộng thứ nhất: Hỏi chuyện buồn không hỏi chuyện vui
Chữ tượng hình còn lưu lại rất nhiều ghi chép về thuật giải mộng của Ấn Vương, có thể thấy Ấn Vương rất tin vào những điềm báo của mộng. Thời đó thuật giải mộng có hai đặc điểm rõ rệt:
Một là, nếu đối tượng mộng thấy không thể xác nhận và khó miêu tả rõ ràng với những người đảm nhiệm chức vị đại diện cho thần, thông thường phải tự mình bói. Nếu như mộng thấy quỷ, vậy đó có phải báo trước rằng sẽ gặp tai họa không? Tự bản thân họ sẽ dùng lửa nung mai rùa rồi dựa vào những vết nứt xuất hiện trên đó để đoán ý trời, xem ý của thần thánh và ma quỷ thế nào. Nếu như mộng thấy con người và sự vật rõ ràng hơn, thì nhờ những người đảm nhiệm chức vị đại diện cho thần bói giùm đế giải trừ những nghi vấn trong lòng.
Hai là, báo chuyện buồn chứ không báo chuyện vui. Hiện nay ta căn cứ vào những lời bói thì có thể nhận ra rằng những người giải mộng đều hỏi điềm dữ chứ không hỏi điềm lành, bói chuyện buồn chứ không giải chuyện vui, có thể thấy những người ở thời cổ đại thiên về mặt tránh các điểm dữ.
Thuật giải mộng thứ hai: Báo chuyện vui không báo chuyện buồn
Khác với nhà Ân, nhà Chu giải mộng thiên về cát (tốt). Sự phát triển về thuật giải mộng của nhà Chu chính là dùng sao để giải mộng. Phương pháp bói này do đề cập đến âm dương ngũ hành, suy diễn sự biến hóa của mặt trời, mặt trăng và sao, nên về mặt học thuật phải tương đối chuyên nghiệp, người thường khó có thể làm được, do đó với một số người giải mộng giở trò lừa gạt, đa số đều không linh nghiệm.
Thuật giải mộng đời Chu khá đa dạng. Ngoài phương pháp giải mộng tượng trưng, giải mộng bằng chiêm tinh ra, phương pháp dùng quẻ bói, dùng có thi truyền thống để giải mộng cũng tồn tại. Chu Vương có khi kết hợp cả cách bói quẻ, bói bằng cỏ thi và giải mộng để quan sát vận mệnh của quốc gia và cá nhân. Cái gọi là cách bói “tam thiệu” là chỉ phương pháp bói bằng quẻ; cách bói “tam dịch” chính là phương pháp bói bằng cỏ thi; cách bói “tạm mộng” đều là phương pháp giải mộng của ba đời Hạ, Thương và Chu.
Thuật giải mộng thứ ba: mộng thư (sách giải mộng)
Vào thời Xuân Thu đã xuất hiện sách giải mộng, nội dung của những quyển sách này thường là kể lại những cảnh trong mộng rồi đưa ra lời phán, cũng có sách trước khi đưa ra lời phán cho các cảnh trong mộng, sẽ trình bày những căn cứ để giải mộng và đoán mộng trước. Giữa những căn cứ và cảnh trong mộng phải có sự liên hệ rất logic, ý nghĩa của mộng sẽ được phán đoán trực tiếp từ các cảnh trong mộng. Đương nhiên, với các thuật sĩ giải mộng khác nhau thì tuy cùng một cảnh trong mộng nhưng sẽ từ góc độ khác nhau mà đưa ra lời giải đáp khác nhau. Từ đó cho thấy, dù cùng một giấc mộng nhưng sẽ có cách giải thích khác nhau tùy vào người giải mộng. Lý luận của sách giải mộng không phải là phán đoán thuộc tính của mộng từ góc độ thường thức, mà là suy diễn từ các giấc mộng đã có trong lịch sử. Giữa trời đất, thế giới vạn sự vạn vật muôn loài muôn vẻ, biến hóa khôn lường, những gì liệt kê trong sách giải mộng có hạn, rất nhiều giấc mộng mà trong sách khó tìm ra được, do đó khó mà đoán trúng, vì vậy có thể thấy được tính hạn chế của sách giải mộng một cách dễ dàng.
Thuật giải mộng thứ tư: trực mộng (dựa vào thực tế để giải mộng)
“Trực mộng pháp” là phương pháp thường dùng nhất trong các thuật giải mộng cổ xưa. Cái gọi là trực mộng pháp chính là đem nội dung của các cảnh trong mộng liên hệ với cuộc sống hiện thực lúc bấy giờ, sự may gở phúc họa mà mộng phản ánh chính là phúc họa may gở trong hiện thực. Trực mộng pháp được chia làm 2 loại: trực mộng hoàn toàn và trực mộng kết quả. Trực mộng hoàn toàn là cả quá trình lẫn chi tiết diễn ra trong mộng đều có thể xảy ra hoàn toàn trong hiện thực sau này, trực mộng kết quả là chỉ các chi tiết cụ thể trong mơ không nhất định sẽ xuất hiện trong cuộc sống thực tiễn tương lai, nhưng là kết quả của việc dự đoán phúc họa, may gở sẽ trùng với hiện thực.
Người xưa cho rằng, cảm giác đặc biệt mãnh liệt và rõ ràng nhất đối với các cảnh trong mộng, đều có thể giải thích bằng trực mộng pháp. Trực mộng pháp khá đơn giản và rõ ràng, sự tốt xấu may rủi trong mơ chính là tốt xấu ở hiện thực, dĩ nhiên vấn đề khó khăn lớn nhất chính là làm sao xác định tiêu chuẩn của trực mộng? Đối với điều này, các nhà giải mộng cổ đại đều không có tiêu chuẩn cụ thể.
Thuật giải mộng thứ năm: phản mộng (giải thích ngược lại với giấc mộng)
Sự phán đoán trong sách giải mộng tương phản với cảnh trong mộng thì gọi là phản mộng. Ví dụ: mộng thấy mình chết có nghĩa là sẽ sống thọ, mộng thấy anh em chém giết nhau có nghĩa là sẽ có sự hòa giải, mộng thấy cha mẹ chết vì bệnh là điềm tốt. Đây chính là phản mộng điển hình. Sử dụng triết lý “vật cực tất phản”, tức là quan điểm “âm cực tốt cát, dương cực tốt hung” của Kinh Dịch để nói về đạo lý của phản mộng.
Quan điểm “mộng chính đặc phản, mộng phản đắc chính” trong thuật giải mộng được lưu truyền rất rộng trong dân gian, điều này đã được phản ánh trong nhiều câu chuyện truyền kỳ xưa. Phản mộng là thuật giải mộng đơn giản nhất và dễ nắm bắt nhất, vả lại, quan điểm “mộng phản đắc chính” có thể khiến cho những người gặp ác mộng tìm được sự cân bằng tâm lý, để cho những người gặp giấc mộng đẹp không được quá tự mãn.
Thuật giải mộng thứ sáu: trắc chữ giải mộng (giải mộng bằng cách bói chữ)
Phương pháp giải mộng này chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong các thuật giải mộng cổ đại, cho nên rất thường được sử dụng. Nó chia chữ Hán thành từng bộ phận, mỗi một bộ phận có một ý nghĩa, sau đó kết hợp với các cảnh trong mộng, rồi tiến hành so sánh để xác định điềm may rủi trong giấc mộng.
Các tiên sinh bói chữ ở đời sau trên thực tế có nguồn gốc từ các thuật sĩ giải mộng. Các tác phẩm về mộng trong lịch sử cho thấy thời đại sử dụng phương pháp giải mộng bằng cách bói chữ sớm nhất là thời Đông Hán, đến thời Tam Quốc thì giải mộng bằng cách bói chữ đã rất thịnh hành, đời Tấn cũng rất thường sử dụng phương pháp này. Vì thế, kết hợp sự phân tích từ hình dạng chữ, âm đọc và ý nghĩa của chữ để giải mộng dần dần trở nên rất thịnh hành, vả lại, còn chuyển hóa thành tập tục dân gian và lưu truyền đến ngày nay..
Thuật giải mộng thứ bảy: chuyển đổi phù hiệu
Dùng quan điểm “Âm dương tương biện, ngũ hành tương sinh tương khắc” và “Thiên nhân hợp nhất” để tiến hành chuyển đổi phù hiệu là thuật giải mộng vốn có của thời cổ đại. Ví dụ: sự sắp xếp theo thứ tự của ngũ hành “Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy” là căn cứ theo nguyên tắc tương sinh tương khắc “Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc và Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy” mà ra, trong đó “Hỏa” đứng vị trí thứ hai. Sự sắp xếp theo thứ tự của ngũ sự là “Mạo, Ngôn, Thị, Thính, Tư”, trong đó “Ngôn” cũng đứng ở vị trí thứ hai. Vị trí của “Hỏa” và “Ngôn” giống nhau cho nên có thể đổi số.
Dùng bát quái để giải mộng là căn cứ vào hiện tượng bát quái “càn vi thiên, khôn vị địa, dị vi phong, khảm vi thủy, cấn vi sơn, ly vì hỏa, đoài vi trạch, chấn vị lôi” (càn là trời, khôn là đất, dị là gió, khảm là nước, cấn là núi, ly là lửa, đoài là ao, chấn là sấm) trong “Chu Dịch”, đổi số thành 64 quẻ, dùng vào 64 quẻ để giải thích về người và việc trong mộng.
Dùng các khái niệm giải mộng như: âm dương, bát quái, ngũ hành… để tiến hành chuyển đổi phù hiệu, do đề cập đến mặt tri thức khá rộng, phải hiểu biết Kinh Dịch, chứ không đơn giản như bói chữ có thể dễ dàng phổ cập, vì vậy, cho đến hiện nay chỉ lưu truyền trong một số ít học giả nghiên cứu về Kinh Dịch.
Thuật giải mộng thứ tám: thẩm trắc nhi thuyết (hỏi tỉ mỉ rồi giải)
Do lịch sử từng có vô số tiền lệ giải mộng thành công nổi tiếng, nên mới có phương pháp giải mộng biện chứng “thẩm trắc nhi thuyết”. Cái gọi là “thẩm” chính là hiểu một cách tường tận, tỉ mỉ, còn trắc là phán đoán. Thuật sĩ giải mộng không phải là ngựa đưa thư nên không thể nghĩ đến đâu là nói đến đó, họ phải có một tiền đề cơ bản là nắm bắt tường tận tình trạng của người nằm mộng, nếu nắm được điều cơ bản này thì họ mới có thể phán đoán đúng hoặc gần đúng, và sẽ không lạc đề quá xa, hoặc “râu ông này cắm cằm bà nọ”.
Nhà phân tích giấc mộng nổi tiếng của phương Tây Floide dùng “phương pháp tự do liên tưởng” để dẫn dắt người nằm mộng nói ra các hoạt động tâm lý liên quan đến các cảnh trong mơ, rồi mượn đó tìm ra chìa khóa cho việc giải mộng. Thật ra, việc này giống với phương pháp “thẩm trắc nhi thuyết” của tổ tiên người Trung Quốc, chỉ có cách diễn đạt khác nhau mà thôi.
Những gì kể trên cho ta thấy, do mộng là một hiện tượng kỳ lạ vừa cụ thể vừa hư vô, là sự giao nhau giữa con người, xã hội, tâm lý, và sinh lý nên mục đích của việc giải mộng là an ủi tâm lý sợ hãi của con người, cho nên, phương pháp “thẩm trắc nhi thuyết” luôn luôn hữu dụng.
Thực ra, khi hỏi tỉ mỉ sự việc trong mộng, thuật sĩ giải mộng vừa diễn giải và suy diễn, vừa lợi dụng tri thức uyên bác của mình, và những trải nghiệm của người giải mộng để giải thích các nghi vấn của mộng, người nằm mộng sau khi đã nghe giải mộng thì sẽ có sự thỏa mãn về mặt tâm lý. Nếu nhìn từ góc độ tích cực, việc giải mộng cũng là một công tác tư tưởng để ổn định lòng người.